Sáng 12/12/2019, tại Viện Hàn Lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, đã diễn ra lễ trao giải Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2019 (L’Oréal – UNESCO For Women in Science). Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao học bổng cho 3 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam thuộc lĩnh vực Khoa học Vật liệu và Khoa học Đời sống.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Ban tổ chức trao giải cho ba nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam 2019.
Năm nay, giải thưởng được trao cho 3 nhà khoa học nữ tiêu biểu Việt Nam năm 2019 được Hội đồng khoa học L’Oréal – UNESCO For Women in Science tại Việt Nam bình chọn gồm:
PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh.
TS.Trần Thị Hồng Hạnh – Nghiên cứu viên chính – Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn Lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam.
TS. Phạm Thị Thu Hà – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống – Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh.
PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng khoa học đề cử cho đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 2O2 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo.
Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.
Pin nhiên liệu methanol trực tiếp (DMFC) là một trong những thiết bị chuyển đổi năng lượng điện hóa tiềm năng nhất do mật độ năng lượng cao, dễ sử dụng, thân thiện môi trường và nhiệt độ hoạt động thấp.
Tuy nhiên, việc thương mại hóa loại pin nhiên liệu này bị cản trở bởi nhiều yếu tố như chi phí cao, trữ lượng thấp, tính không ổn định của chất xúc tác Pt, khả năng dễ bị đầu độc bởi các chất trung gian như CO hoặc CHO.
Đề án nghiên cứu này sẽ giúp giải quyết việc giảm sử dụng kim loại quý Pt đồng thời cải thiện hiệu suất của hợp kim so với Pt nguyên chất, nhờ đó nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa Pt, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này trong thời gian không xa.
Tham dự lễ trao giải có PGS.TS Huỳnh Quyền Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà trường chúc mừng PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân
(Nguồn: Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại)