‘Bùn quặng Lào Cai có nguy cơ chứa nhiều hợp chất độc’

Theo các chuyên gia, sự cố tràn cống xả hồ chứa bùn đuôi quặng ở Lào Cai là nghiêm trọng, vì có chứa axit và các ion kim loại nặng có thể thấm sâu vào đất làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước sinh hoạt.

Sự cố xảy ra sáng 8/8 khiến hàng chục nghìn mét khối nước, bùn thải tuyển quặng đồng tràn ra khu dân cư xã Tả Phời, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Nguyên nhân do tràn cống xả hồ chứa bùn đuôi quặng của nhà máy tuyển quặng đồng, Công ty Cổ phần đồng Tả Phời, sau mưa lớn kéo dài.

Theo PGS.TS Trần Lê Lựu, Điều phối viên chương trình thạc sĩ công nghệ, tái sử dụng và quản lý nước, Đại học Việt Đức, kim loại đồng thường được tinh chế tách từ mỏ quặng đồng, vốn là tập hợp các loại khoáng đất đá chứa hàm lượng cao của đồng và một số kim loại tạp chất khác như sắt, nhôm, asen, canxi, silic… Những mỏ đồng ở Lào Cai còn có thể chứa thêm lượng nhỏ đất hiếm, vàng, bạc và sunfua.

Ông đánh giá, quá trình tuyển quặng đồng trải qua nhiều công đoạn, trong đó có bước hòa tan và làm giàu mẫu. Giai đoạn này cần dùng lượng lớn axit, phổ biến nhất là axit sunfuric. Tùy quy trình tinh chế có thể có thêm các dung môi khác như dung dịch muối sắt, amoni… Do đó, bùn thải tuyển quặng đồng là một hỗn hợp rắn lỏng phức tạp có chứa nhiều hợp chất độc khác nhau với độ pH rất thấp.

Nước, bùn thải tuyển quặng đồng chảy tràn xuống khu dân cư ở Lào Cai. Ảnh: N.H

Nước, bùn thải tuyển quặng đồng chảy tràn xuống khu dân cư ở Lào Cai. Ảnh: N.H

Việc bùn thải tuyển quặng đồng tràn ra, PGS Lưu đánh giá là một “sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến người dân cũng như môi trường sinh thái, không khí xung quanh”. Đầu tiên là con người hít phải các hơi kim loại và axit có mùi hôi khó chịu. Đất canh tác nông nghiệp trong vùng sẽ bao phủ bởi các chất độc này và có thể thấm sâu vào hệ nước ngầm cũng như hòa lẫn ô nhiễm vào nước mặt, nước sinh hoạt của người dân trong vùng. Các sản phẩm nông nghiệp, gia súc, gia cầm cũng sẽ có thể bị nhiễm chất bẩn từ các nguồn đất, nước, không khí ô nhiễm này.

Theo ông Lưu, pH thấp từ dung dịch bùn thải cũng có thể làm chết cây cối cũng như các sinh vật trong vùng theo thời gian.

TS Huỳnh Thiên Tài, Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM cho rằng, cần đánh giá các thành phần chính của quặng, quy trình công nghệ tuyển quặng (bao gồm loại hóa chất sử dụng, các bước tuyển quặng) và quy trình công nghệ xử lý nước thải… Từ đó đánh giá đúng mức độ tác động môi trường từ sự cố này.

Tuy nhiên theo TS Tài, dù ở mức độ nào, việc bùn thải đưa ra ngoài chắc chắn ảnh hưởng xấu đến môi trường và con người. Nguyên nhân do trong nước thải có chứa axit, các ion kim loại nặng có thể dễ dàng bị rửa trôi, hòa tan vào nguồn nước, đặc biệt là nước sinh hoạt của người dân. Sự lan truyền các ion kim loại khi trời mưa rất khó kiểm soát, cũng không thể xử lý thông thường nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt, nhất là nước ăn uống. “Cần có khảo sát, phân tích cụ thể mới đánh giá chính xác mức độ nguy hại”, TS Tài nói.

PGS Lựu đề xuất nhà chức trách cần khoanh vùng, gia cố và hạn chế sự lan truyền, rò rỉ của bùn thải này ra một khu vực lớn hơn. Người dân tuyệt đối không sử dụng nước từ các giếng hoặc nước mặt, sông suối trong vùng do đã nhiễm bẩn. Nước sinh hoạt và thực phẩm sạch từ các vùng khác cần được chuyển đến cho người dân. Ngoài ra, ông cho rằng cần di dời người dân ở các vùng bị ảnh hưởng nặng đến các khu ở tạm thời cho đến khi vấn đề về môi trường trong vùng được giải quyết, nhất là cần làm sạch lớp bùn thải phía trên mặt đất để chuyển đi nơi khác.

Chuyên gia cũng đề xuất xử lý tại chỗ lớp đất canh tác đã bị thấm chất thải cũng như đánh giá vấn đề ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, không khí, tìm phương án xử lý các nguồn nước ô nhiễm này. “Việc hỗ trợ sinh kế cho người dân trong vùng trong thời gian tới cũng cần được tính đến”, PGS Lựu nói.

Vị trí xảy ra sự cố tràn hồ chứa bùn thải tuyển quặng.

Vị trí xảy ra sự cố tràn hồ chứa bùn thải tuyển quặng.

PGS Lựu cho rằng, việc vỡ những hồ chứa chất thải của những nhà máy tuyển quặng là vấn đề rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có thể từ những vấn đề xảy ra trong quá trình vận hành, chất thải chứa vượt quá công suất của hồ chứa cũng như tai nạn, thiên tai mà con người không thể lường trước được, nhất là ở những vùng có địa hình đồi núi phức tạp với lượng mưa lớn và nguy cơ sạt lở cao. Do đó, trước khi bắt đầu vận hành những nhà máy tuyển quặng, cần đánh giá tác động môi trường kỹ càng. Trong đó cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần xây dựng những hồ sự cố dự phòng, có đánh giá hệ số an toàn và rủi ro trong mô phỏng nhiều kịch bản có thể xảy ra khác nhau.

“Những hồ dự phòng này sẽ là cứu cánh khi xảy ra sự cố môi trường như vỡ hồ chứa chất thải chính, thiên tai hoặc trong điều kiện vận hành “, PGS Lựu nói. Quá trình vận hành ở các nhà máy này cũng cần được kiểm soát, gia cố chặt chẽ để không quá tải các hồ chứa này.

Ông gợi ý doanh nghiệp cần áp dụng các quá trình tinh chế quặng tiên tiến sạch hơn để làm giảm các chất thải trong bùn và lượng hóa chất sử dụng. Các công nghệ thu hồi kim loại nặng, tái chế, tái sử dụng sử dụng bùn thải từ quá trình tuyển quặng cho những ứng dụng khác nhau cần được nghiên cứu áp dụng để giải phóng bùn thải, làm giảm áp lực lên hồ chứa theo nguyên lý của kinh tế tuần hoàn.

Nguồn: vnexpress