PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân – Người thổi hồn cho pin nhiên liệu

     Năm 2020, Tạp chí khoa học Asian Scientist vinh danh 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam trong Danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á là Phó giáo sư Hồ Thị Thanh Vân (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

     Cả 3 người Việt lọt top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm nay đều là những nhà khoa học nữ xuất sắc, được trao Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019.

     Trong đó, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được vinh danh vì những thành tích trong lĩnh vực Khoa học vật liệu. Bà nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 202 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo. Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.

     Hiện Cô đang là Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TPHCM. Trước vinh dự này, bộ phận truyền thông có thực hiện buổi phỏng vấn ngắn với PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân.

Câu hỏi: Em được biết, cô là một trong 3 nhà khoa học của Việt Nam lọt danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á. Khi được vinh danh trong danh sách nhà khoa học tiêu biểu Chấu Á, cảm xúc của cô như thế nào?

     Khi được vinh danh top 23/100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á 2020, Vân cảm thấy rất vinh dự cho bản thân, gia đình, nhóm nghiên cứu và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nơi Vân đang công tác. Kết quả này cũng là sự động viên cho những nhà nghiên cứu đang theo đuổi con đường khoa học tiếp tục đóng góp cho xã hội, cũng như đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.

Câu hỏi: Cơ duyên nào đã thúc đẩy Cô nghiên cứu về năng lượng tái tạo mà cụ thể là pin nhiên liệu?

    Vân nghiên cứu về pin nhiêu liệu, pin mặt trời là những dạng năng lượng tái tạo từ những năm 2009 khi nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Vân nhận thấy đây là một hướng nghiên cứu rất cần thiết và mang tính cấp bách vì nguồn năng lượng hóa thạch (NLHT) là nguồn năng lượng chính có trữ lượng hữu hạn, dần cạn kiệt và ngày càng khan hiếm theo thời gian. Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng NLHT trong một thời gian dài cho đến nay đã làm cho lượng khí nhà kính trong khí quyển trái đất vượt quá ngưỡng giá trị cân bằng dẫn đến các hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) xảy ra ngày càng khốc liệt, tần suất ngày càng tăng. Tác động của BĐKH là rất to lớn và xảy ra trên phạm vi toàn cầu với các hiện tượng BĐKH dễ nhận là nhiệt độ tăng, băng ở các địa cực tan nhanh, nước biển dâng cao, diện tích sinh tồn của con người bị thu hẹp; thời tiết cực đoan: mưa, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn…do đó cần có giải pháp chuyển đổi từ sử dụng NLHT sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế với nền kinh tế phát thải khí nhà kính thấp. Pin nhiên liệu là một trong những dạng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp năng lượng đang cần phát triển và thúc đẩy.

Câu hỏi: Cô có thể chia sẻ quan điểm về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, phát triển các công trình/đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay không? Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã giúp cô vượt qua khó khăn này như thế nào?

    Điều kiện và môi trường nghiên cứu ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực trong thời gian qua tuy nhiên thực sự còn nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu ở Việt Nam đặc biệt là đối với các hướng nghiên cứu mới, cần công nghệ cao do điều kiện trang thiết bị, kỹ thuật còn hạn chế so với các nước phát triển. Để thành công, người nghiên cứu phải thật sự tâm huyết và đam mê theo đuổi để vượt qua những khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu.

    Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TPHCM là một trong hai trường công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nên Bộ TN&MT, lãnh đạo nhà Trường luôn chú trọng và quan tâm công tác NCKH các lĩnh vực thuộc TN&MT. Đây cũng là động lực để các nhà khoa học tiếp tục công hiến và phát huy năng lực nghiên cứu, ngoài ra sự thành công cuả các thế hệ đào tạo (NCS, học viên cao học, SV..) cũng là nguồn động viên rất lớn cho người nghiên cứu tiếp tục phát huy và theo đuổi con đường đã lựa chọn.

Câu hỏi: Từ kinh nghiệm làm nghiên cứu, cô có nhắn nhủ gì đối với người trẻ đặc biệt là những người phụ nữ khi làm nghiên cứu?

    Để có thể theo đuổi và gắn bó với con đường nghiên cứu khoa học, điều quan trọng nhất có lẽ đó là niềm đam mê, nhiệt huyết và luôn hết sức mình trong công việc. Việc đặt mục tiêu khi chọn lựa định hướng con đường nghiên cứu luôn phải xác định phải có ý nghĩa thiết thực, đóng góp cho cộng đồng xã hội cũng như đào tạo nguồn nhân lực các thế hệ trẻ. Phụ nữ làm khoa học sẽ gặp không ít khó khăn vì phải cân bằng được công việc, sự đam mê tâm huyết với công việc và trách nhiệm với gia đình. Vân chọn cho mình cách vượt qua khó khăn là sắp xếp thật khoa học giữa công việc và gia đình, mỗi công việc đều có mục tiêu cụ thể và lộ trình để thực hiện. Vân cũng may mắn được sự động viên, hỗ trợ rất nhiều của gia đình trên con đường NCKH.

Câu hỏi: Qua quá trình công tác, cô đánh giá như thế nào về năng lực khoa học của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM?

     Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TPHCM đang có sự phát triển mạnh mẽ về năng lực NCKH để đáp ứng và giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội trong lĩnh vực TN&M. Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy năng lực NCKH trong toàn bộ giảng viên, cán bộ viên chức. Ngoài ra, Nhà Trường luôn mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ TN&MT, Bộ KHCN và các Bộ liên quan trong việc nâng cao, phát huy năng lực nghiên cứu của nhà Trường từ đó có thể đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội trong lĩnh vực TN&MT.

Trân trọng cảm ơn Cô!